HỘI NHẬP NGHIÊN CỨU VĂN HOÁ VỚI DÂN TỘC VIỆT NAM,

Pastor Judy Nguyễn (Thanh Trúc)

Nước Việt Nam có một nền văn hiến lâu đời nhiều ngàn năm qua, trải dài theo dòng lịch sử trên một đất nước có năm mươi bốn sắc tộc khác nhau, nhờ như thế mà văn hóa xã hội tập tục tín ngưỡng khá phong phú. Trong số năm mươi bốn sắc tộc thì người Việt chiếm trên 87% của tổng dân số Việt Nam. Tuy nhiên, đa số tín ngưỡng họ đã đặt niềm tin vào Tam giáo xuất xứ từ nước ngoài là Trung Quốc và Ấn Độ. Đó là Phật giáo, Nho giáo (Khổng giáo) và Đạo giáo (Lão giáo). Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam đã bị ảnh hưởng sâu đậm từ Tam giáo ấy và đã được cấu tạo trở thành nếp sống văn hóa di truyền xã hội cho đến ngày nay. Người đi trước làm sao thì người đi sau làm vậy. người đi trước làm bậy, người đi sau bắt chước làm theo.”Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, 20 năm nổi chiến từng ngày…”! Văn hóa Cộng sản Việt Nam đã xói mòn hủy phá nền văn hóa hơn 4.000 năm Dân Tộc Việt..!

1. Nguồn gốc Tam giáo:

Tam giáo bao gồm có Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Phật giáo xuất xứ từ Ấn Độ do Thích Ca Mâu Ni sáng lập khoảng thế kỷ thứ VI trước Công Nguyên, nhưng Nho giáo và Đạo giáo nguồn gốc từ Trung Quốc. Nho giáo do Khổng Phu Tử sáng lập cùng thời điểm với Phật giáo vào thế kỷ thứ VI trước Công Nguyên. Tuy nhiên, Đạo giáo do Lão Tử sáng lập thì đã có từ thế kỷ thứ IV trước Công Nguyên từ khi có cuốn Đạo Đức Kinh của ông xuất hiện. Điều thú vị cho nghiên cứu sinh ở điểm Tam giáo là ngoại giáo đối với người Việt Nam, nhưng đã hội nhập lâu đời ăn sâu trong tư tưởng và đời sống văn hóa xã hội của dân tộc Việt Nam.

2. Bối cảnh về Tam giáo tại Việt Nam:

Trong bối cảnh chính trị bị đô hộ bởi Trung Hoa hàng ngàn năm lịch sử, phần đông người Việt Nam bị ảnh hưởng các tập tục lễ giáo từ Nho giáo của Khổng Phu Tử xen lẫn Đạo giáo của Lão Tử và dung hợp Phật giáo của Thích Ca Mâu Ni cách tự nhiên hội nhập. Lâu dần đã ảnh hưởng quan trọng đến nền chính trị giáo dục tại Việt Nam trong nhiều thế kỷ từ thời quân chủ đến dân chủ cho đến thể chế cộng sản cầm quyền. Tam giáo vẫn còn hiện hữu đến ngày nay tại Việt Nam.

Vào cuối thế kỷ thứ XV, Nho giáo thịnh vượng so với Phật giáo dưới triều đại Lê Thánh Tông, Nho giáo dường như là chủ đạo với các đạo lý luân thường đã được nhắc đến nổi bật qua đạo Ngũ Thường của Khổng phu Tử. Luân lý của Ngũ Thường và Tam Cương đã được áp dụng trong thời kỳ quân chủ tại Việt Nam và những thế kỷ tiếp theo về sau đạo lý này vẫn còn áp dụng trong một số gia đình phong kiến.

Kinh Thánh Cựu Ước đã được ghi chép từ 1500 TCN, trong khi Khổng Phu Tử được sanh ra 551 TCN, Lão Tử sanh 571 TCN và Phật Thích Ca sanh năm 624 TCN, tức là Kinh Thánh có trước Tam giáo cả ngàn năm. Thế cho nên những điều họ truyền đạt trong cái khuôn khổ đạo đức làm người không vượt qúa Kinh Thánh đã có chép. Quan trọng hơn nữa là cho đến khi những giáo chủ của các tôn giáo trên thế giới lúc chết đi họ vẫn chưa tìm được Chân Lý và không có một giáo chủ nào trong Tam giáo tự nhận mình là Chân Lý.

3. Nguyên nhân sự tồn tại của Tam giáo:

Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo đều mang tính chất nhân văn chú trọng cuộc sống hiện tại nhân qủa theo thuyết Phật giáo, như Khổng giáo dạy đạo lý và Lão Tử của Đạo giáo thì “vô vi nhị vi”, Lão Tử không muốn con người đua tranh quyền lợi với nhau, cầu cuộc sống an phận thủ thừa, ẩn dật càng tốt hơn. Thuyết của Lão Tử muốn dạy một chính quyền khiêm tốn hạ mình với nhân dân, điều này khó thực hiện nhưng đó là tư duy của Đạo giáo. Vấn đề “hiền không hèn” không mấy ai có thể làm được, vì như thế thời phong kiến nhiều Nho gia đã kêu gọi sự khiêm cung ấy và chính vua Lý Thái Tông đã phát triển quan điểm ấy của Lão Tử cùng kết hợp hài hòa quan điểm của Phật giáo “nhân giả, nhân dã” tức là lấy tâm địa nhân từ yêu con người. Tam giáo kết hợp hài hòa trong nếp sống và văn hóa của người Việt Nam nhiều thế kỷ qua.

Nổi bật nhất là đạo lý của Khổng Phu Tử đã dạy con người đạo trung quân ái quốc, khiến các Nho gia thời này phát huy được tinh thần đó dưới triều Lý-Trần, sau hơn mười thế kỷ Bắc thuộc họ đã củng cố được nền độc lập chống ngoại xâm, điều này thích hợp với Nho giáo áp dụng trên xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Tinh thần trung nghĩa sẵn sàng hy sinh cho dân tộc như một sức mạnh siêu nhiên đã tồn tại ẩn mình trong dòng máu Việt da vàng ngàn năm bất khuất. Đạo lý Tam cương: Quân thần cương ý nghĩa chỉ về mối quan hệ vua-tôi, Phụ tử cương là mối quan hệ cha-con, Phu phụ cương chỉ mối quan hệ vợ-chồng. Khổng Tử quan niệm nếu ba mối quan hệ của tam cương tốt thì gia đình hạnh phúc vua dân thuận hòa đất nước sẽ bình yên.

Ngũ Thường là những việc thường có trong cuộc sống của con người cần thiết và Khổng Tử đưa ra năm điều thường xuất hiện quan trọng hình thành nên đạo đức của một con người: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí và Tín. Nhân là nhân tâm đạo đức lòng tốt cần có để yệu thương đồng loại, ấy là nhân đạo. Nghĩa là cách cư xử công bằng theo lẽ phải có tình lý. Lễ, răn dạy cách cư xử lễ phép lịch sự tử tế hòa nhã với nhau trong cuộc sống. Trí, trí tuệ thông suốt minh bạch phân biệt sai đúng ác thiện phân minh. Tín, uy tín nói sao làm vậy giữ lời hứa không phụ những gì mình đã hứa với ai, tín nghĩa cũng là tư cách của một người.

Tam Cương Ngũ Thường đã góp phần xây dựng xã hội phong kiến Việt Nam khi chưa thực sự có pháp luật hiện hữu, Tam Cương Ngũ Thường đã giúp con người tự theo đó mà hành xử. Lâu đời trở thành văn hóa cách sống trong lòng dân tộc, dù đã hết thời quân chủ, nhưng đến nay người Việt Nam đa số vẫn còn sống theo đạo đức của Ngũ Thường, riêng Tam Cương tuy không hoàn toàn tuân thủ nhưng vẫn tồn tại trong số ít gia tộc phong kiến họ vẫn còn rất sùng kính tôn thờ Tam giáo hòa quyện bất di bất dịch. Trần Ngọc Thêm đã nhấn mạnh tư tưởng nhận thức của người Việt Nam qua các triết lý của Nho-Phật Học như sau:

“Các tư tưởng nhận thức do Nho-Phật-Đạo mang lại đều là sản phẩm qúa trình giao lưu của văn hóa Việt Nam với Trung Hoa và khu vực.”

4. Niềm tin tín ngưỡng và đời sống:

Nét đặc biệt trong nền văn hóa của Việt Nam chính là sự du nhập nền Nho Giáo còn gọi là Khổng Giáo, Lão Giáo của Trung Hoa và Phật Giáo của Ấn Độ được gọi là “văn hóa Tam Giáo”. Trong thời kỳ quân chủ và phong kiến của Việt Nam Khổng Giáo rất mạnh được coi như nền tảng luân lý dạy đạo đức từ quân xuống quan qua dân và Nho Giáo như là triết lý sống của dân tộc. Giới Nho gia đã phát triển thành lập cả hệ thống triết học đạo đức, chính trị và lịch sử. Trong khi đó Lão Giáo rất mê tín dị đoan, ngoài việc thích làm cư sỹ ẩn dật vô cầu, vô tranh, vô đoạt và vô chấp với đời thì Lão Giáo tự tìm chân lý qua việc “trốn đời”. Lão Giáo lý thuyết cứ không muốn làm gì cho là cứ theo lẽ tự nhiên, nhưng lại chính trong Lão Giáo có những tư tưởng rất mê tín xem bói: bói toán, bói đất, đồng bóng, thờ cúng bái các thần tượng thế gian, chính niềm tin ấy đã tự mâu thuẫn ngay trong Lão Giáo bởi ý tưởng không muốn làm gì nhưng đã làm rất nhiều.

Nho gia xem trọng việc đối nhân xử thế, các phép tắc, khuôn khổ gia đình và trị quốc bình thiên hạ với một tấm lòng kẻ sĩ đại trượng phu, trong khi Phật giáo giảng về thuyết luân hồi nhân qủa, như gieo gì gặt nấy, hướng nhân sinh quan đến những việc thiện lành. Đạo giáo cũng hướng con người thuận theo tự nhiên xem nhẹ danh lợi cá nhân, sống nội tâm yên tĩnh. Tuy nhiên, Phật Giáo cho thế gian là những thứ vô thường không là gì mà còn là ảo mộng, trong đó có con người và hình thức sống kham khổ tu hành để tìm kiếm chân lý cho đời vì quan điểm đời là bể khổ, về tư tưởng cũng rất khác với Khổng giáo hay Lão giáo. Thế nhưng Tam giáo này lại thấm nhuần trong văn hóa Việt Nam, và hòa lẫn vào Phật giáo, ngày nay người Việt Nam chỉ nhìn thấy Nho giáo, Đạo giáo trong Phật giáo mà thôi.

5. Văn hóa Tam giáo:

Văn hóa Nho gia là thế giới quan đạo đức tri thức và trí tuệ nên về triết học Nho gia như nhập thế với nhân sinh. Văn hóa Đạo gia là thuận theo thiên nhiên để sinh tồn, không chủ kiến sống an phận vì thế triết lý học lại muốn xuất thế. Trong khi đó văn hóa Phật gia tu tâm dưỡng tánh, vì tướng do tâm sinh, trong tâm có vũ trụ thế giới vạn vật và triết lý học nhập thế như Nho gia, đây là điểm rất tương đồng giữa Phật giáo và Nho giáo.

Tam giáo không giảng về sự cứu rỗi linh hồn, Niết Bàn là nơi cuối cùng của một bậc chân tu sẽ về nơi đó và Niết Bàn của Phật giáo chỉ là nơi không còn bụi trần, “cõi cực lạc” không còn vướng bận điều gì của thế gian thể xác hay vật chất nữa, buông bỏ tất cả ham muốn của thế gian. Nhưng điều ấy không phải là Chân Lý, vì nó chưa cứu rỗi được linh hồn. Khổng giáo và Lão giáo đồng chú trọng tư tưởng và nhân tâm trong đời sống hiện tại trên đất, cả hai tôn giáo này đều không thuyết về sự cứu rỗi. Tam giáo chưa hề xác định họ là Chân Lý.

6. Hội nhập văn hoá:

Văn hóa đã giúp một phần trong sự cấu trúc xã hội theo chiều dài lịch sử của một quốc gia, có tính kế thừa qua nhiều thế hệ, ảnh hưởng trực tiếp đến con người và xã hội của đất nước. Văn hóa không tự nhiên mà có, nó được hình thành từ nhiều thế hệ bao gồm nếp sống niềm tin và tín ngưỡng. Hơn thế nữa, văn hóa cũng chính là ngôn ngữ chữ viết, cách sống và cư xử giữa người với người, đạo đức nhân tâm sẽ thể hiện một phần văn hóa nơi chốn bản địa của người đó. Văn hóa còn bao gồm vật chất và tinh thần đều do con người trong xã hội tạo ra, như các vật dụng theo thời gian nhiều thế kỷ và tinh thần là những tư tưởng lý luận truyền đạt áp dụng trong đời sống như những triết lý Nho gia đã từng đóng vai trò quan trọng trong nền văn hóa của đất nước và con người Việt Nam.

Hội nhập vào một nền văn hóa khác với văn hóa mình đang có là một bước thay đổi tư duy từ tư tưởng đến cách sống. Hội nhập văn hóa là chấp nhận sự khác biệt của người khác dù không hữu lý với suy nghĩ của bản thân, nhưng ít ra vấn đề có ích lợi cho cộng đồng và thực tiễn cho xã hội giúp xã hội thăng hoa hơn và từ đó chấp nhận kết hợp hòa đồng, tìm kiếm điểm chung liên hiệp dẫn đến sự thành công trong việc hội nhập văn hóa.

7. Văn hoá Cơ Đốc:

Cơ Đốc nhân có văn hóa được đặt trên nền tảng Kinh Thánh của Đấng Sáng Tạo, Ngài là Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên Trời và Đất cùng vạn vật. Trước khi xưng nhận đức tin vào Chúa Cứu Thế Giê-su, mỗi người trên đất đều có văn hóa riêng bản sắc dân tộc của từng quốc gia và bản địa. Đôi lúc trong văn hóa ấy có rất nhiều thần tượng để tôn thờ, khi trở thành người thuộc về Đức Chúa Trời qua danh Chúa Giê-su thì lời Kinh Thánh đã hướng dẫn con người có nếp sống văn hóa mới. Đời sống của một người Cơ Đốc cần có nguyên tắc theo Lời Chúa dạy, qua đó phản ảnh được Phúc Âm đã thực sự thay đổi một con người buông bỏ đời sống cũ, được biến đổi và tái sanh trong ơn kêu gọi của Chúa Thánh Linh. Khi đã có văn hóa Cơ Đốc trong đời sống người ấy sẽ trỗi dậy làm chứng nhân cho Chúa Giê-su, từ đó chấp nhận thực thi sứ mạng truyền giáo Tin lành cho muôn dân. Mục đích rao giảng cho mọi người biết văn hóa Cơ Đốc có sự mầu nhiệm hoàn toàn khác với văn hóa thế gian.

Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 5:13-16:

Các ngươi là muối của đất; song nếu mất mặn đi, thì sẽ lấy giống chi mà làm cho mặn lại? Muối ấy không dùng chi được nữa, chỉ phải quăng ra ngoài và bị người ta đạp dưới chân. Các ngươi là sự sáng của thế-gian; một cái thành ở trên núi thì không khi nào bị khuất được: Cũng không ai thắp đèn mà để dưới cái thùng, song người ta để trên chân-đèn, thì nó soi sáng mọi người ở trong nhà. Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi-khen Cha các ngươi ở trên trời.

Trong cuốn “Thần Học Hiện Đại” David L. Smith đã viết:

“Tính biệt lập văn hóa này chủ yếu bắt nguồn từ ước muốn thánh hóa bản thân, là điều thường dẫn những người có quan điểm nền tảng đến một niềm tin mang tính cá nhân rất cao.”

Mười điều răn trong luật pháp Môi-se mà Đức Chúa Trời ban cho dân sự chính là mấu chốt quan trọng hình thành văn hóa Cơ Đốc từ cách ứng xử, đạo đức, về nhân tâm có điểm tương đồng với đạo Ngũ Thường và một phần trong Tam Cương của Khổng giáo. (Xuất-ê-díp-tô-ký 20:3-17). Tuy nhiên, văn hóa Cơ Đốc không có sự thờ cúng khói nhang hay thần tượng bái lạy như văn hóa của Tam giáo. Quan trọng hơn là Kinh Thánh giải thích được sự siêu nhiên của vũ trụ, cho con người nhận biết Đấng Sáng Tạo, trong văn hóa Cơ Đốc có sự cứu rỗi về tâm linh và có Lẽ Thật Chân Lý cho con người tin theo, để sống tốt với xã hội thực tại và khi qua đời này linh hồn sẽ được vào Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

8. Hội nhập Thần Học:

Thần Học, từ ngữ nghe rất trừu tượng và bí ẩn, nó lạ lẫm với nhiều người, vì Thần Học là môn học về thần linh tâm linh, tìm cách giải thích về Thiên Chúa một cách khoa học bao gồm những từ ngữ nghe rất quen thuộc với Cơ Đốc nhân nhưng khó giải thích diễn đạt hoàn toàn hết bằng ngôn ngữ bình thường cho người đời hiểu như: Đức tin, ân tứ, cứu chuộc mạc khải và rất nhiều người diễn giải Thần Học theo cách nhìn riêng của nhiều trường phái.

Tin Lành hay Công Giáo, trường phái Roma, trường phái Rahner, Thần Học Nữ Quyền, Thần Học Giải Phóng, v.v…Tất cả đều muốn nghiên cứu về sự siêu nhiên học hỏi về Đấng Thần Linh mà nhân loại chưa giải thích hết được bằng ngôn ngữ của con người thế gian. Kinh Thánh là cội nguồn của suối Thần Học khai thác qua bao nhiêu thời đại vẫn còn tiếp diễn. Cuối cùng để giúp Thần Học chia sẻ Đức Chúa Trời cho nhân loại con người cần có một đức tin vào Đấng siêu nhiên bởi sự huyền nhiệm của nó ngôn từ không lý giải nổi.

Henry W. Wright trong quyển sách “Con Đường Tuyệt Vời Hơn” đã nhận định:

“Các bạn và tôi là khách hành hương, được Đức Chúa Trời kêu gọi bởi danh Ngài và được ấn chứng bởi Đức Thánh Linh Ngài. Chúng ta không trở nên như những gì chúng ta suy nghĩ, nhưng chúng ta sẽ được biến đổi chỉ trong nháy mắt. Nó bao gồm hy vọng của chúng ta sự cứu chuộc thân thể chúng ta và sự thiết lập vương quốc của Đức Chúa Trời trong sự công bình.”

Tuy nhiên, khi Cơ Đốc nhân muốn đem Thần Học hội nhập văn hóa bản địa cùng lúc ứng dụng Kinh Thánh một cách hữu hiệu bằng ngôn ngữ bình dân nhất. Điều quan trọng là cần diễn giải Thần Học một cách khoa học để người có đạo hay không có đạo tin vào những minh chứng cụ thể. Thần Học là sự kết nối giữa đức tin và khoa học, giúp con người củng cố đức tin vào Thiên Chúa qua Kinh Thánh.

Albert Benjamin Simpson, “Trái Tim Của Phúc Âm” đã viết:

“Đức tin không chỉ suy nghĩ như thế mà còn hành động theo suy nghĩ đó nữa. Đức tin này bước ra với lòng tin chắc hoàn toàn rằng điều mình cầu xin đã được ban cho, cho dù xuất hiện theo cách nào. Vì vậy bất cứ điều gì khác không phải đức tin thật thì không thích đáng.”

Albert đã xác định là Cơ Đốc nhân cần có đức tin và việc làm kèm theo để chứng minh đức tin ấy là vững chắc, như thế Thần Học mới thật sự có ý nghĩa cho niềm tin vào Thiên Chúa. Lời Chúa trong Kinh Thánh cũng đã xác định điều ấy: Gia-cơ 2:26 “Vả, xác chẳng có hồn thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy.”. Con người cần có một đức tin và sự nhận biết vì Phúc Âm không chỉ thuần túy nói về đạo Tin Lành, mà Phúc Âm đã khai sáng tâm linh của con người, khiến tâm trí con người hiểu biết cao hơn so với cuộc sống trần tục trên đất, tuy không là sự mới mẻ, nhưng linh hồn của con người cần đến để nhận được sự cứu rỗi qua Phúc Âm hầu cứu được linh hồn của tất cả những người còn thờ cúng thần tượng thế gian.

KẾT LUẬN:

Đất nước Việt Nam có năm mươi bốn sắc tộc và dân tộc Kinh là dân tộc chính thống của người Việt Nam. Đại đa số thờ tổ tiên ông bà, niềm tin và tín ngưỡng của dân tộc Kinh bao nhiêu đời hòa quyện với Tam giáo du nhập từ ngoại quốc và đã trở thành văn hóa của dân tộc này. Cơ Đốc nhân không thể thay đổi văn hóa của một đất nước được, nhưng hội nhập văn hóa Cơ Đốc với dân tộc Việt Nam nhằm góp phần xây dựng lại tâm linh và cải cách nếp sống cho họ, trở nên thăng hoa hơn khi linh hồn nhận được sự cứu rỗi qua Phúc Âm.

Tin Lành là tin tức tốt lành mà Thiên Chúa đã cho nhân loại, chính là sự cứu chuộc tội lỗi vô điều kiện, một ân điển từ Thượng Thiên ban xuống cho nhân thế. Chúa Cứu Thế Giê-su là đường đi, Lẽ Thật và Chân Lý mà mọi người cần Ngài trong đời sống họ, thay vì thờ phượng Tam giáo sẽ không cứu rỗi được linh hồn con người khi chết đi. Tin Chúa không có sự chết, mà chỉ là qua đời này, sẽ có đời mới trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời, đó là vinh quang vĩnh cửu mà Cơ Đốc nhân cần rao giảng cho dân tộc Việt Nam.

Pastor Judy Nguyễn (Thanh Trúc)

03/07/2022

Melbourne Victoria Úc Châu.

Bài Khác